Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Ba nhà máy LG tại Việt Nam mang về hơn 8 tỷ USD doanh thu và gần 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020

 Nguồn https://vietnambiz.vn/ba-nha-may-lg-tai-viet-nam-mang-ve-hon-8-ty-usd-doanh-thu-va-gan-10000-ty-dong-loi-nhuan-trong-nam-2020-20210409180440702.htm


Các nhà máy tại Việt Nam đều mang về cho LG hàng nghìn tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận mỗi năm. Đây là khu vực có công suất 10 triệu smartphone hàng năm, chiếm một nửa sản lượng sản xuất của LG trên toàn cầu.



Hiện tại LG đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam và tất cả đều toạ lạc tại TP Hải Phòng, gồm LG Electronics Vietnam Hai Phong (LGEVH) chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử; LG Innotek Vietnam Hai Phong (LGITVH) chuyên sản xuất và bán các linh kiện điện tử và LG Display Vietnam Hai Phong (LGDVH) chuyên sản xuất màn hình LCD và OLED.


Theo báo cáo tài chính, mỗi năm các nhà máy tại Việt Nam đều mang về cho LG hàng tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận.

Trong đó quy mô lớn nhất là nhà máy LG Electronics, chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử của LG như TV, điều hòa, máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh, một phần linh kiện điện thoại,... Năm 2020, nhà máy này ghi nhận 5.556 tỷ won doanh thu, xấp xỉ hơn 118.000 tỷ đồng và tăng 35% so với năm 2019. Trong khi lợi nhuận ròng đạt 197 tỷ won, tương đương khoảng 4.200 tỷ đồng.

LG Innotek, ghi nhận doanh thu 1.743 tỷ won, xấp xỉ 37.100 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 17% so với năm trước. Lợi nhuận ròng ở mức 98 tỷ won, tức khoảng 2.100 tỷ đồng.

Nhà máy chuyên sản xuất màn hình LG Display ghi nhận doanh thu năm 2020 đạt 1.830 tỷ won, khoảng 38.957 tỷ đồng, và lãi sau thuế 165 tỷ won, xấp xỉ 3.512 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng 3 nhà máy của LG tại Việt Nam đã đem về cho công ty mẹ hơn 194.000 tỷ đồng trong năm 2020.


Đồ họa: Tường Vy.

Về tài sản, tính đến thời điểm 31/12/2020, LG Electronics Hải Phòng có quy mô tài sản là 1.576 tỷ won, xấp xỉ 33.550 tỷ đồng; LG Innotek 792 tỷ won, khoảng 16.860 tỷ đồng và LG Display Hải Phòng 3.319 tỷ won, tức 70.654 tỷ đồng.

Riêng LG Display, đầu năm nay, lãnh đạo tập đoàn cho biết sẽ có kế hoạch đầu tư thêm 750 triệu USD vào nhà máy Hải Phòng. Công ty này đã nhận được chứng nhận đăng ký đầu tư của thành phố, nâng tổng vốn đầu tư dự án lên 3,25 tỷ USD.

Dự án sẽ đi vào sản xuất chính thức từ tháng 5/2021, tuyển thêm 5.000 lao động.


Đồ họa: Tường Vy.

Mặc dù mảng sản xuất tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận liên tục, song mới đây, công ty đã tuyên bố chính thức rút chân khỏi mảng smartphone sau nhiều năm thua lỗ và hụt hơi trước các đối thủ đến từ Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo,....


Tuyên bố này đã đặt ra câu hỏi về số phận các nhà máy của LG tại Việt Nam. Trước đó, công ty đã nhiều lần tìm cách để tận dụng các nhà máy này trong sản xuất hàng điện tử tiêu dùng nhưng không tìm được bước đột phá.

Ngoài nhà máy sản xuất tại Hải Phòng (Việt Nam), hai nhà máy khác của LG tại Taubate (Brazil) và Thanh Đảo (Trung Quốc) cũng đứng trước nguy cơ bị đóng cửa hoặc về tay chủ mới.

Liên quan đến vấn đề này, cuối tháng 2/2021, truyền thông Hàn Quốc đưa tin Tập đoàn Vingroup của Việt Nam ngỏ ý mua lại tất cả nhà máy kể trên của LG. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã bất thành bởi mức giá đề nghị của Vingroup thấp hơn mong muốn của LG.

Theo thông tin từ Business Korea, cái giá mà LG đưa ra cho nhà máy smartphone tại Hải Phòng là 100 tỷ won, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng. "Các trong ty trong nước không có đủ khả năng để mua lại dây chuyền sản xuất này", tờ báo nhận định.

Cuộc rút lui khỏi mảng smartphone của LG khiến nhiều người dùng thất vọng bởi cho đến đầu và giữa những năm 2000, LG vẫn là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới, cạnh tranh với các hãng điện thoại hàng đầu như Nokia và Samsung.

Sau 6 năm chìm trong thua lỗ với khoản lỗ lũy kế đến hơn 4,4 tỷ USD riêng mảng smartphone, LG buộc phải rời khỏi mảng kinh doanh này. Trong quý III/2020, thị phần của LG ở mảng di động thông minh đã giảm xuống chỉ còn 1,91%, theo dữ liệu từ Counterpoint Research.

Thị trường tiêu quý I: Giấc mộng lấy lại vị thế vàng đen vẫn còn xa vời

Nguôn https://vietnambiz.vn/thi-truong-tieu-quy-i-giac-mong-lay-lai-vi-the-vang-den-van-con-xa-voi-20210416184024076.htm

Niềm hy vọng cây tiêu quay trở về thời hoàng kim cách đây 6 lại lại quay trở lại vào quý I khi giá mặt hàng này tăng phi mã. Tuy nhiên, đã tăng này lại có tác dụng ngược khiến cả thị trường chao đảo.




Cách đây 6 năm, có lúc giá tiêu đạt hơn 200.000 đồng/kg và người dân coi đây là "vàng đen" bởi chính loại cây này giúp họ đổi đời. Nhưng sau đó, cũng chính "vàng đen" khiến nhiều hộ phải phá sản vì có quá nhiều người đổ xô trồng tiêu, diện tích tăng gấp 3 lần so với quy hoạch, đạt 150.000 ha.

Niềm hy vọng cây tiêu quay trở về thời hoàng kim cách đây 6 lại lại quay trở lại vào quý I khi giá mặt hàng này tăng phi mã. Tuy nhiên, đà tăng này lại có tác dụng ngược khiến cả thị trường chao đảo.
Quý I/2021 và những biến động khó lường trong ngành tiêu

Nhìn lại quý I năm nay, ngành tiêu liên tiếp phải trả qua những biến động khó lường liên quan lên logistics và giá cả ở thị trường nội địa.

Theo đó, ngay từ đầu năm, việc thiếu container rỗng khiến nhiều doanh nghiệp phải "méo mặt" vì chi phí vận tải bị đội lên gấp 3 lần.

Bên cạnh đó, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez cũng khiến cho tình hình logistics vốn nóng lại càng trở nên căng thẳng hơn.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 3 năm 2021 ước đạt 30 nghìn tấn, với giá trị đạt 86 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 60 nghìn tấn và 174 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, việc giá tiêu tăng nóng từ khoảng 50.000 đồng/kg lên gần 80.000 đồng/kg trong vòng vài ngày do giới đầu cơ gom hàng và người dân không muốn bán đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

Theo đó, giá ký bán cho đối tác nhập khẩu rất thấp mà trong nước giá tăng cao đột biến, từ 50.000 đồng/kg lên gần 80.000 đồng/kg chỉ trong vài ngày. Cộng thêm chi phí logistics tăng chóng mặt như hiện nay, việc thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, nếu không mua từ dân thì không có hàng để xuất và sẽ đứng trước nguy cơ mất khách hàng.

"Giá biến động khó lường tại thị trường Việt Nam đang đẩy nhà xuất khẩu Việt Nam tạm thời ra khỏi cuộc chơi vì rủi ro có thể xảy ra cho cả người mua lẫn người bán trước sự biến động không do yếu tố thị trường tác động", VPA nhận định.

Tại cuộc họp Ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) Quý I/2021, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn trước diễn biến khó lường của thị trường. Mặc dù có nhiều dự báo về mức sản lượng nhưng con số đó chỉ mang tính tương đối.

Tuy nhiên, trước những thông tin từ mạng xã hội cho rằng sản lượng toàn cầu giảm mạnh đã thúc đẩy mạnh niềm tin tăng giá trong dân và giới đầu cơ.

Hậu quả của những thông tin đó đã mang lại cho thị trường sự hỗn loạn và không ít đại lý vỡ nợ, một số doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt hại.

Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho rằng giá tiêu Việt Nam biến động khó lường đã tạo ra tác động không muốn cho cả người bán và người mua vì đây là cuộc mạo hiểm rủi ro.
Nhập khẩu tiêu giảm 40% - Câu trả lời cho nghi vấn tiêu ngoại đè nặng lên giá nội địa

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, trong quý I năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 7.698 tấn hồ tiêu bao gồm 6.351 tấn tiêu đen và 1.347 tấn tiêu trắng. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nhập khẩu giảm 40,5%.

Trong đó, lượng nhập khẩu của 5 doanh nghiệp có vốn đầu đầu tư nước ngoài chiếm tới hơn 90% lượng nhập khẩu của khối Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và 70% trong tổng nhập khẩu tiêu của cả nước.

Trong top 5 doanh nghiệp này chỉ có Gia vị Sơn Hà ghi nhận lượng nhập khẩu tăng mạnh là 286%. Tuy nhiên, tính tổng lượng nhập khẩu chỉ 789 tấn.

Stt Doanh nghiệp 3 tháng 3 tháng 2021 Tổng +/- %2021/2020
2019 2020 1 2 3
VPA 9.076 6.620 2.558 1.503 2.383 6.444 -2,7
1 Olam Việt Nam 3.376 2.939 1.203 592 1.360 3.155 7,3
2 Harris Freeman 1.025 1.045 300 228 292 820 -21,5
3 Gia vị Sơn Hà 374 204 50 399 340 789 286,8
4 Nedspice Việt Nam 1.494 729 348 142 64 554 -24,0
5 KSS Việt Nam 456 431 175 60 271 506 17,4


Lượng nhập khẩu hồ tiêu của 5 doanh nghiệp có vốn đầu đầu tư nước ngoài trong quý I. Tổng hợp: H.Mĩ

Trước đó, thời điểm giá tiêu tăng nóng, doanh nghiệp không mua được hàng vì người dân găm hàng không muốn bán. Nhưng vài ngày sau đó là chuỗi ngày giá tiêu liên tục giảm.

Điều này dẫn đến một vài nghi vấn rằng doanh nghiệp đã nhập tiêu từ Brazil và Indonesia để có hàng xuất khẩu khiến giá tiêu trong nước hạ nhiệt.


Diễn biến giá tiêu từ đầu năm đến ngày 16/4. (Tổng hợp: H.Mĩ)

Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy lượng nhập khẩu tiêu trong quý I thậm chí giảm mạnh tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

3 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hồ tiêu chủ yếu từ Brazil và Indonesia, chiếm 87,8%.

Trong đó nhập khẩu từ Brazil đạt 4.491 tấn, chiếm 58,3%; tiếp theo là Indonesia 2.268 tấn, chiếm 29,5% lượng nhập khẩu tiêu trắng từ Indonesia đạt 1.277 tấn chiếm 94,8% tổng lượng nhập khẩu tiêu trắng.

Trao đổi với người viết, một chuyên gia trong ngành tiêu cho hạt tiêu Brazil, Indonesia không dùng riêng được như tiêu Việt Nam vì có mùi khác với các nước Châu Á. Do đó, tiêu của các nước nhập về buộc phải phối trộn, chế biến rồi mới xuất khẩu theo tiêu chuẩn của các nước.

Tương tự ở các thị trường châu Âu và Mỹ, các công ty nhập khẩu về để sản xuất gia vị tổng hợp không giống như tiêu Việt Nam có thể dùng riêng biệt.

"Hạt tiêu trắng của Indonesia được sản xuất theo phương pháp truyền thống là ngâm dưới nước và sát vỏ đen để lấy sọ do đó có mùi hôi. Hạt này phối trộn, làm gia vị tổng hợp", vị chuyên gia này cho hay.

Theo lý giải của chuyên gia này việc giá tiêu giảm không phải do tiêu nhập khẩu mà là vì các nhà đầu cơ chốt lời khiến giá giảm. Điều này kéo theo tâm lý giá có thể giảm hơn nữa và nhiều người dân ồ ạt bán theo, tạo áp lực bán ra.
Kỳ vọng giá tiêu tăng mạnh do thiếu nguồn cung là không đủ cơ sở

Theo VPA, sản lượng sản xuất toàn cầu năm 2021 có thể giảm 10% so với năm 2020 do sụt giảm từ Việt Nam.

Nguồn cung từ Việt Nam đang bị gián đoạn do sự tham gia mạnh của lực lượng đầu cơ và nông dân có xu hướng trữ hàng với niềm hy vọng tăng giá.

Tuy nhiên, VPA cho rằng: "Dự đoán giá tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt là không đủ cơ sở thuyết phục khi thu hoạch tại 2 quốc gia sản xuất lớn là Việt Nam và Ấn Độ diễn ra trễ hơn mọi năm.

Lượng hàng tồn kho của những năm trước bù đắp vào sự sụt giảm sản lượng năm 2021. Do đó, cung cầu có thể sẽ về trạng thái cân bằng và giá sẽ tăng khi có hiện tượng đầu cơ".

Nhu cầu từ các nước hồi giáo sẽ sụt giảm trong tháng Ramadan 2021 diễn ra từ 13/4-13/5.

Thị phần Việt Nam trên bản đồ xoài thế giới còn khiêm tốn

Nguồn https://vietnambiz.vn/thi-phan-viet-nam-tren-ban-do-xoai-the-gioi-con-khiem-ton-20210419155012925.htm

Xoài là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam. Dư địa tăng trưởng của loại trái cây chủ lực này được đánh giá còn rất lớn nên mục tiêu xuất khẩu đề ra là 650 triệu USD vào năm 2030.



Xuất khẩu xoài chỉ chiếm hơn 1,5% nhu cầu thế giới

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Việt Nam là nước sản xuất xoài lớn thứ 13 thế giới với tổng diện tích trồng trong cả nước khoảng hơn 87.000 ha. Đây là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam, chỉ đứng sau chuối.

Năm 2020, tổng sản lượng xoài của Việt Nam đạt 893.200 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Xoài được trồng nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước, năm 2020 đạt 567.732 tấn.

Cũng trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt 180,8 triệu USD, giảm 9% so với năm 2019, nguyên nhân do đại dịch COVID-19 làm ách tắc dòng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu.


Nguồn: Bộ NN&PTNT. Tổng hợp: Như Huỳnh.

Hiện Việt Nam xuất khẩu xoài sang 40 quốc gia trên thế giới. Các nhà nhập khẩu chính là Trung Quốc, các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.


Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc đạt 151,8 triệu USD, chiếm 83,95% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giảm gần 4,2% so với năm 2019. Đứng thứ 2 là thị trường Nga, đạt 8,4 triệu USD, chiếm 4,65%, là thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh đạt 76,1% so với năm 2019.


Nguồn: Bộ NN&PTNT. Tổng hợp: Như Huỳnh.

Đáng chú ý, trong năm qua, xoài Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đơn cử như Mỹ, theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam tăng mạnh cả lượng và giá trị xuất khẩu xoài sang thị trường này với khối lượng 2.100 tấn, trị giá 4,61 triệu USD, tăng 66% về lượng và tăng hơn 70% về trị giá so với năm 2019.

Giá xuất khẩu bình quân của xoài Việt Nam sang Mỹ ở mức cao đạt 2,2 USD/kg, tăng 2,5% so với năm 2019.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, thị phần xoài Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn rất khiêm tốn. Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng xoài trên thế giới đạt khoảng 12,3 tỷ USD, nhưng Việt Nam xuất khẩu mới chỉ đạt con số hơn 180 triệu USD, chỉ chiếm hơn 1,5% trong tổng thị phần xuất khẩu của thế giới.


Tại các thị trường khó tính, ví dụ như thị trường Mỹ, xoài Việt Nam cũng chỉ chiếm 0,3% tổng lượng xoài nhập khẩu của Mỹ. Vì vậy, Việt Nam hiện mới chỉ đứng thứ 14 trong những thị trường cung cấp xoài cho Mỹ.
Mục tiêu xuất khẩu 650 triệu USD vào năm 2030 có khả thi?

Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu là đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD, có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến…Như vậy, mục tiêu này gấp gần 3,5 lần kết quả đạt được trong năm 2020.

Đánh giá về con số đề ra, chia sẻ với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho rằng mục tiêu này khá cao.

"Muốn thực hiện mục tiêu này cần nâng cao chất lượng quả xoài, cải tiến về cách trồng và cả quá trình đóng gói", ông Nguyên cho biết và chỉ ra 3 hướng cụ thể cho thời gian tới.

Cụ thể, là tiếp tục tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh thị trường chế biến để có điều kiện tăng kim ngạch. Đồng thời mở rộng các thị trường khó tính.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội rau quả cho rằng các phương hướng đề ra phải đặt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát và đi đến chấm dứt, cùng với việc giảm giá cước vận chuyển thì mới có thể thực thi kế hoạch này.

"Với giá cước hiện nay thì khó thể đẩy mạnh tiêu thụ ở những thị trường xa. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công nghệ chế biến như xoài đông lạnh, xoài sấy, cắt miếng, cấp đông, để tăng giá trị gia tăng", ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.


Việt Nam đặt mục tiêu là đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu xoài sẽ nâng lên 650 triệu USD. (Ảnh: Như Huỳnh)

Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng nhu cầu nhập khẩu xoài lớn tại Mỹ là cơ hội để quả xoài các loại của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này.

"Xoài chế biến và nước ép sẽ có tiềm năng lớn tại Mỹ. Đây là những loại rất được ưa chuộng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những chủng loại này trong thời gian tới", Bộ Công Thương dự báo.

Theo đó, để tăng thị phần tại Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe như vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cấp mã số để quản lý, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch...

Còn theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản để tăng lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn, đòi hỏi các cơ sở sản xuất xoài phải tính đến phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất - thu mua - sơ chế - đóng gói - bảo quản - doanh nghiệp xuất khẩu, bảo đảm đáp ứng quy định của thị trường.


Do đó, Cục sẽ tạo kênh kết nối, trao đổi giữa nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài với các cơ quan thương mại, doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam để tìm hiểu, phát triển thị trường xuất khẩu

Hướng dẫn, phổ biến thực thi tốt các quy định về kiểm dịch thực vật, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, quy định mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ, phát triển chuỗi giá trị xoài, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng quy định từng thị trường, tập trung vào các thị trường trọng điểm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Xem thêm: https://vietnambiz.vn/xuat-khau-xoai.html