Đại diện VASEP cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rút khỏi sang EU chỉ là động thái nhất thời. Nếu cầm cự và tồn tại được qua giai đoạn này, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU vẫn có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn.
14-07-202125 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bỏ cuộc chơi tại thị trường EU
Động thái nhất thời
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tính tới cuối tháng 5, khoảng gần 25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam thoái lui khỏi thị trường EU.
Các nhà nhập khẩu yêu cầu mua hàng chất lượng cao nhưng với giá thấp trong khi hiện chi phí vận tải tăng cao gấp nhiều lần so với trước đây nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khó duy trì doanh thu, thị phần ở thị trường này.
Trao đổi với người viết, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết: "Không phải các doanh nghiệp rút khỏi thị trường EU hoàn toàn.
Trong bối cảnh COVID-19 ở châu Âu diễn biến phức tạp, các giao dịch mua bán thưa thớt, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh và một số nhà nhập khẩu tạm dừng sản xuất, kinh doanh để phòng dịch nên không ghi nhận dữ liệu xuất khẩu".
Tính đến nửa đầu tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 51 triệu USD, giảm 21% so với năm 2020.
5 tháng đầu năm, giá cá tra xuất khẩu trung bình sang thị trường EU dao động mức 2,35 USD/kg, tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện VASEP cho rằng vấn đề cần bàn là sau 3 năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU vẫn chưa thể phục hồi và thoát khỏi mức tăng trưởng âm.
Dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, giá cước container tăng vọt trong khi giá xuất khẩu cá tra sang EU vẫn ở mức thấp, chưa hấp dẫn, buộc doanh nghiệp phải chuyển hướng, tìm kiếm thị trường "dễ thở" hơn.
"Nếu cầm cự và tồn tại được qua giai đoạn này, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU vẫn có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn. Các doanh nghiệp vẫn phải tìm cách khôi phục lại, có thể coi giai đoạn này xuất khẩu cá tra đang dừng một bước để tiến hai bước", ông Hòe nói.
Chia sẻ với người viết, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) hiện nay cái khó của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn là chi phí vận chuyển, giá container.
Cước tàu đi châu Âu tăng từ 2.000 USD/cont lên 11.000/cont USD, tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước khi bùng dịch COVID-19. Với những chi phí như vậy, doanh nghiệp không có lãi, tạm dừng xuất khẩu.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rút khỏi sang EU: Chỉ là động thái nhất thời - Ảnh 1.
Chi phí logistics tăng cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gặp khó (Ảnh: Vietnam Exports)
Tuy nhiên ông Luân cho rằng việc các doanh nghiệp cá tra rút khỏi thị trường EU chỉ diễn ra trong thời gian ngắn bởi khu vực này vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.
Không chỉ riêng cá tra, tiêu thụ các loại cá trắng khác như cá minh thái của thị trường này cũng giảm. Ông Luân dự báo: "Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường EU mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ sẽ bùng nổ".
Những tia sáng cho ngành cá tra
Đối lập với thị trường EU, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Số liệu từ VASEP, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường lớn nhất Trung Quốc - Hong Kong đạt gần 165,5 triệu USD, tăng 2%, chiếm gần 26% tổng xuất khẩu cá tra.
Sau Trung Quốc, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 134 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc là hai điểm sáng cho thị trường cá tra năm nay, đặc biệt là Mỹ. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh gia tăng thị phần tại trường này.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc lại có xu hướng chững lại do các yêu cầu kiểm dịch khắt khe với thực phẩm đông lạnh.
Trong bối cảnh dịch vùng nguyên liệu cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thị trường tiêu thụ EU đều phức tạp và khó đoán, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm những thị trường gần hơn để cầm cự.
"Xuất khẩu cá tra sang EU vẫn có dư địa và lợi thế thuế quan từ EVFTA. Do đó, ngành cá tra sẽ không bỏ qua thị trường tiềm năng này.
Song, dịch COVID-19 không ngừng biến động, rất khó nói trước về thời điểm thị trường phục hồi và mức tăng trưởng", ông Quốc cho biết.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rút khỏi sang EU: Chỉ là động thái nhất thời - Ảnh 2.
Ngành cá tra đang phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn (Ảnh: VTV)
Chia sẻ với người viết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết cả nước hiện có 6.000 ha nuôi cá tra, sản lượng đạt 1,7 triệu tấn và mang lại giá trị xuất khẩu hơn 2,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây thị trường xuất khẩu cá tra có nhiều biến động. Do đó, giải pháp quan trọng là cần xây dựng chuỗi liên kết và hệ thống cá tra 3 cấp, lần lượt các cấp là viện nghiên cứu; trung tâm, doanh nghiệp, trại cá giống và các vùng nuôi cá tra thương phẩm.
Đáng chú ý, Viện nuôi trồng thủy sản II đã phát triển 2 dòng nổi trội là cá tra kháng bệnh và cá tra tăng trưởng. Những giống cá này bắt đầu sản xuất, đáp ứng 4,5 tỷ giống cho khu vực ĐBSCL.
Thứ trưởng cho biết: "Hiện nay 80% hệ thống cá tra 3 cấp tại Đồng Tháp, An Giang đã vào chuỗi liên kết. Như vậy, ngành cá tra đang phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao sức cạnh tranh đồng thời giải quyết hạ tầng, con giống, quy trình nuôi và xúc tiến thương mại.
Bộ NN&PTNT cũng đang tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường EU, tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu".
Đọc thêm: https://vietnambiz.vn/gia-ca-tra.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét