Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Sáng 7/12, Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã làm việc với các cơ quan liên quan về sự cố doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020, ngày 6/12, trên một số nền tảng số trái quy định pháp luật.
Bộ Văn hóa khẳng định ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.
Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.
Bộ yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Trước đó, tối 6/12, khán giả theo dõi trận đấu giữa Đội tuyển bóng đá Việt Nam - Lào trong khuôn khổ AFF Cup được phát trên YouTube đã bất ngờ khi phần nghi thức hát Quốc ca của Việt Nam bị tắt âm thanh vì lý do bản quyền.
"Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm", thông báo hiện trên màn hình lúc cầu thủ Việt Nam hát quốc ca.
Theo BH Media - một đơn vị từng vướng phải lùm xùm liên quan đến bản quyền Quốc Ca Việt Nam: "Trong trận đấu Việt Nam - Lào, không hề có bên nào đánh bản quyền bài Tiến quân ca mà chính đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng bài Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT trước đó.
Việc làm này tương tự đơn vị Next Media tắt tiếng phần hát Quốc ca các video các trận đấu của các quốc gia khác trên kênh của mình để tránh việc bị xác nhận bản quyền âm nhạc".
Ngoài ra, video trận đấu thuộc Vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 giữa đội tuyển Việt Nam và Ả Rập Xê Út đăng tải trên kênh YouTube FPT Bóng Đá Việt đã bị đơn vị Naxos Digital Services US thay mặt cho hãng đĩa Marco Polo thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi bài Tiến quân ca. Lý do là BTC sân đã chọn bản ghi Tiến quân ca của hãng đĩa Marco Polo.
"Theo luật, hãng đĩa Marco Polo tự bỏ tiền sản xuất bản ghi Tiến quân ca và đã đăng ký bản quyền trên YouTube thì bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này phải xin phép họ. Việc BTC sân vô tư sử dụng bản ghi Tiến quân ca của hãng đĩa nước ngoài mà không xin phép đã khiến các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu", BH Media cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét