Trang

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Để Hà Nội trở thành thành phố thông minh

Cuối tháng 3 vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Singapore đã có buổi làm việc với Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Câu chuyện giữa hai vị lãnh đạo xoay quanh việc Singapore muốn hỗ trợ Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, xây dựng các khu công nghệ cao, phát triển khu công nghiệp phần mềm và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thành phố thông minh

Chủ trương định hướng xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh đã có từ những năm đầu thế kỷ 21, với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xây dựng chính quyền điện tử, kết hợp với ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục…

Vì lợi ích và chất lượng cuộc sống người dân

Thực tế, Hà Nội đang nỗ lực hướng đến thành phố thông minh, tiện dụng cho người dân thông qua việc ký kết văn bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn trong và ngoài nước, trong đó phải kể tới việc ký kết với tập đoàn Microsoft để xây dựng khung Chính phủ điện tử và tìm hiểu việc sản xuất các thẻ có thể tích hợp sử dụng cho nhiều mục đích như thẻ ngân hàng, thẻ xe bus, tàu điện ngầm...

Theo các chuyên gia, "Thành phố thông minh" có thể hiểu ngắn gọn là các cơ quan công quyền ứng dụng CNTT trong cung cấp các dịch vụ công, cung cấp thông tin về các lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân trên mạng internet, để người dân tìm hiểu, đăng ký, sử dụng. Người dân, doanh nghiệp giao tiếp trực tiếp qua mạng với những người chịu trách nhiệm giải quyết công việc thuộc các cơ quan hành chính nhà nước, mà không phải gặp mặt. Cách làm này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn bảo đảm minh bạch, "cắt" được vấn nạn tiêu cực, nhũng nhiễu. Ở góc độ giao tiếp với hạ tầng, xây dựng thành phố thông minh là nói đến việc thành phố sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công, có các giải pháp cho sử dụng, phát triển giao thông thông minh; năng lượng; sức khỏe; nước, vấn đề nông nghiệp và quản lý rác thải.

Theo các chuyên gia, một thành phố chỉ thực sự thông minh khi hội tụ 3 yếu tố: Hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện, dựa trên 6 tiêu chí: nền kinh tế thông minh, vận động thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh. Và có vẻ như những tiêu chí này khá phù hợp với thành phố Hà nội trong bối cảnh hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là Hà Nội đã chuẩn bị những gì cho một thành phố thông minh? Được biết, Hà Nội đã triển khai hạ tầng kỹ thuật kết nối tất cả các sở, ngành UBND các quận, huyện và 584 xã, phường, thị trấn; triển khai trung tâm dữ liệu Thành phố và từng bước khai thác dữ liệu dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân và tổ chức; ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng Thành phố thông minh.

Thành phố cũng đã kết nối đường cáp quang tốc độ 1Gbps giữa các trung tâm dữ liệu, phường, xã, thị trấn; triển khai phần mềm dịch vụ công trực tuyến cho các phường; thí điểm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư và cung cấp dịch vụ công tại hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Cùng với đó, các sở, ngành cũng đã triển khai phần mềm, ứng dụng chuyên ngành phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, thành phố triển khai 43 dịch vụ công phục vụ người dân, trong đó ưu tiên làm trước các dịch vụ giải quyết vấn đề dân sinh, thiết thực với người dân.

Các dịch vụ công được triển khai trên nền điện toán đám mây (icloud) có sự liên thông, hay nói cách khác là được tích hợp trên môi trường mạng, giúp người dân, doanh nghiệp đăng ký dễ dàng, thuận lợi. Các dịch vụ công này bảo đảm tính tự động, chẳng hạn có thể gửi tự động cảnh báo, nhắc nhở người sử dụng dịch vụ… Trong giao thông thông minh, có thể liên kết phần mềm quản lý phương tiện với hệ thống bảo hiểm, đăng kiểm, giáo dục (trong làm thẻ xe buýt)… Tuy nhiên, để xây dựng giao thông thông minh còn cần điều kiện quan trọng là hạ tầng hiện đại… Tương tự, các ngành khác đều có thể ứng dụng CNTT để phát triển và hoạt động hiệu quả.

Theo dự thảo về quy hoạch CNTT tới 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ triển khai ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, y tế tới giao thông, điện, nước...Thành phố cũng dự kiến huy động nguồn vốn khoảng 60.000 tỷ đồng trong gần 20 năm tới. Ngân sách thành phố đảm nhận khoảng 8.000 tỷ, còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa. Quy hoạch này sẽ được UBND thành phố trình trước HĐND vào đầu tháng 12 tới. Cũng theo dự thảo quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020 - tầm nhìn 2030, có 3 tiêu chí để Hà Nội nhắm đến vị trí đứng đầu là xây dựng chính quyền điện tử; ứng dụng phát triển CNTT phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển ngành công nghiệp CNTT. Dù hạ tầng CNTT của Hà Nội trong thời gian qua đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ, mức độ ứng dụng trong quản lý nhà nước còn thấp.

Hà Nội có nhiều lợi thế như tiềm năng chất xám với gần 80% số giáo sư, phó giáo sư; trên 80% chuyên gia đầu ngành và trên 1/3 trường đại học, viện nghiên cứu làm việc trực tiếp trên địa bàn.

Hợp tác với nhiều quốc gia hàng đầu

Còn nhớ, trong buổi tiếp kiến Thủ tướng Singapore cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nói với Thủ tướng Lý Hiển Long rằng, chính quyền thành phố đang hướng đến phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành "thành phố thông minh" với việc cải thiện cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học-công nghệ và hệ thống chính quyền điện tử trong quản lý thành phố; bảo vệ và cải thiện môi trường; phát triển các dịch vụ công và phúc lợi xã hội cho người dân. Hà Nội mong muốn được hợp tác với Singapore trong các lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý đô thị, phát triển cây xanh, xây dựng thành phố thông minh, đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cho biết, Singapore luôn mong muốn hợp tác với Hà Nội để đầu tư, xây dựng các khu công nghệ cao, phát triển khu công nghiệp phần mềm và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thành phố thông minh. Thủ tướng Lý Hiển Long ủng hộ đề xuất của Thành phố, tạo điều kiện cho các cán bộ của thành phố Hà Nội cũng như của Việt Nam tham gia các khóa đào tạo tại Singapore, trong đó có Trường Hành chính công Lý Quang Diệu.


Theo thống kê, hiện nay Singapore là quốc gia đứng đầu về đầu tư vào Hà Nội. Tính đến hết ngày 20.3.2017, đã có 280 dự án của nhà đầu tư mang quốc tịch Singapore được cấp phép và còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,33 tỉ USD.

Cũng trong tháng 3/2017, TP. Hà Nội và Công ty Microsoft Việt Nam đã trao đổi, thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng Thành phố thông minh. Microsoft Việt Nam sẽ tham gia tư vấn, hỗ trợ các ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng TP. Hà Nội thông minh như: Y tế thông minh; phối hợp xây dựng Thành phố an toàn và phát triển bền vững; tư vấn triển khai không gian làm việc hiện đại ứng dụng bộ công cụ Office 365; ứng dụng bộ công cụ Office 365 miễn phí cho hệ thống giáo dục trên địa bàn; tư vấn triển khai tối ưu hóa các cơ sở dữ liệu, áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn trên dữ liệu hiện tại để cung cấp những báo cáo phân tích, hỗ trợ đưa ra quyết định của lãnh đạo Thành phố…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét