Hiện các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đang đẩy mạnh thu mua và chế biến gạo để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Không chỉ có nhiều đơn hàng xuất khẩu, giá gạo hiện đang ở mức cao so với cùng kỳ. Đối với các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung dự kiến sang Philippines, Indonesia, giá đã tăng lên gần 600 USD/tấn gạo cấp cao.
Giá lúa gạo tăng cao, xuất khẩu rau củ vượt kỳ vọng
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tình hình xuất khẩu gạo của nước ta trong 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,3 triệu tấn với trị giá 1,5 tỷ USD, tăng gần 30% về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Sau một thời gian chững lại, hiện giá gạo xuất khẩu của nước ta đã bắt đầu tăng cao.
Vụ Thu Đông năm nay là một vụ mùa đặc biệt của bà con nông dân. Bên cạnh giá gạo đang tăng cao, vụ Thu Đông là vụ lúa bù đắp cho sản lượng lúa cả nước đã bị tụt giảm trong vụ Đông Xuân 2017. Đây là cơ hội để nông dân đồng bằng Sông Cửu Long tranh thủ thời cơ phục vụ xuất khẩu, tăng thu nhập.
Không chỉ trong ngành lúa gạo, năm 2017 cũng là năm thăng hoa của ngành xuất khẩu rau quả. Tính riêng 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả của cả nước ước đạt 2,03 tỷ USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt giá trị xuất khẩu của hạt điều và chỉ thấp hơn mặt hàng cà phê 90 triệu USD. Với đà này, năm nay sẽ là năm đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt chỉ tiêu 3 tỷ USD.
Lộc Trời hưởng “lộc”
Yếu tố khách quan được hỗ trợ đã góp phần tăng doanh thu của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG – HoSE), một tập đoàn nông nghiệp sở hữu chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững với 20% thị phần thuốc bảo vệ thực vật và hơn 4% thị phần ngành giống cây trồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh bán niên năm 2017 của Lộc Trời cho thấy Tập đoàn đạt 4.075 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% cùng kỳ năm trước trong đó doanh thu mảng thuốc thực vật tăng 21% còn mảng giống cây trồng tăng 30% cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận của mảng thuốc BVTV của Lộc Trời đã cải thiện từ mức 31% cùng kỳ 2016 lên 35% năm nay, trong khi biên mảng giống cây trồng tăng rất mạnh từ 18% lên 28%. Điều này là nhờ hệ thống phân phối của Lộc Trời đã đi vào hoạt động ổn định sau khoảng thời gian 2 năm tái cơ cấu. Kết thúc quý 1 năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời đạt 196 tỷ đồng, tăng 23% cùng kỳ năm trước.
Với điều kiện thị trường nông sản thuận lợi như thời điểm hiện tại, doanh thu thuần năm 2017 của Lộc Trời được dự báo ở mức hơn 8.600 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế đạt mức 426 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016 và đây là năm bắt đầu tăng trưởng trở lại của Lộc Trời sau một thời gian dài tái cơ cấu. Với kết quả này, lợi nhuận trên mỗi cổ phần của Lộc Trời năm 2017 ước đạt 5.390 đồng/cp. Theo phân tích của một quỹ đầu tư, sang năm 2018, doanh thu của tập đoàn này ước đạt hơn 9.500 tỷ, lợi nhuận sau thuế ước đạt 500 tỷ, EPS ở mức 6.337 đồng/cp.
Với mức giá hiện nay ở mức 53.500 đồng/cp, Lộc Trời đang giao dịch ở mức PE 2017 gần 10 lần và PE 2018 ước ở mức 8,4 lần, thấp đáng kể so với trung bình ngành.
Tập đoàn Lộc Trờivừa cho biết sẽ tiến hành chi trả cổ tức đợt 1/2017 với tỷ lệ 15% vào cuối quý 3, đầu quý 4/2017 và ngay sau đó sẽ chi tiếp 15% cho đợt còn lại. Như vậy tổng tỷ lệ LTG chi trả cổ tức năm 2017 là 30% bằng tiền mặt.
Kỳ vọng vào nhu cầu thực phẩm sạch
Hiện tại nhu cầu tiêu thụ lương thực trên toàn cầu đang tăng nhanh, đặc biệt là nhu cầu về thực phẩm sạch và an toàn. Tại Việt Nam, Lộc Trời là đơn vị đầu tiên nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất loại gạo mầm với thương hiệu Vibigaba (viết tắt của chữ Vĩnh Bình, Vùng nguyên liệu lúa gạo đầu tiên của Lộc Trời tại An Giang, kết hợp cùng từ viết tắt của hoạt chất Gamma amino butyric acid).
Đây là hoạt chất giúp gạo mầm Vibigaba có các công dụng tốt cho sức khỏe như ổn định đường huyết và cân bằng huyết áp; kiểm soát mỡ máu và ngừa xơ vữa mạch máu; phòng ngừa táo bón và đầy hơi, tốt cho hệ tiêu hóa; Chống Oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, giúp thư giãn thần kinh tạo giấc ngủ tự nhiên.
Vibigaba là một sản phẩm tiêu biểu chiến lược xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời với mục tiêu nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam. Trọng tâm của chiến lược này là cùng với người nông dân phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và các sản phẩm giá trị gia tăng sau gạo.
Bên cạnh việc mở rộng hệ thống phân phối trên toàn quốc, Tập đoàn Lộc Trời đã thành công trong việc xuất khẩu gạo mầm Vibigaba vào các thị trường như Ba Lan, Đức và Trung Quốc. Hiện tại, Lộc Trời đang tiếp tục tiến hành các thủ tục kiểm tra lâm sàng cho gạo mầm Vibigaba để đạt đủ các chứng nhận quốc tế nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu trên toàn cầu.
Không chỉ tập trung vào chuỗi sản xuất gạo, Lộc Trời còn đặt mục tiêu phát triển mặt hàng cà phê và các hạt giống rau màu.
Với mục tiêu của Chính phủ tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tăng GDP sản xuất nông nghiệp từ 3,5% - 4% giai đoạn 2016-2020, hàng loạt các chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp sẽ giúp Lộc Trời và các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét