Mặc dù diễn biến cổ phiếu họ Vingroup không hề thuận lợi trong vòng hai tháng trở lại đây, khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng theo thống kể của Forbes lại đang lập kỷ lục mới và tiệm cận top 200 tỷ phú giàu có nhất hành tinh.
Cập nhật mới nhất từ tạp chí danh tiếng Forbes, tỷ phủ Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup hiện đang sở hữu khối tài sản 7,2 tỷ USD, hạng 217 thế giới, vị trí cao nhất từ trước đến nay.
So với báo cáo cập nhật thường niên hồi tháng 3/2018, tài sản của ông Vượng đã tăng thêm 2,9 tỷ USD sau một quý. Điều này có nghĩa, mỗi tháng tăng thêm 0,97 tỷ USD và mỗi ngày chủ tịch Vingroup kiếm thêm gần 740 tỷ đồng.
Thứ hạng của tỷ phú Việt Nam trên bảng xếp hạng Forbes
Trong khi ông Vượng đang được ghi nhận là kiếm tiền nhanh như vũ bão, thì các tỷ phú USD còn của Việt Nam vẫn đang duy trì được sự ổn định. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Vietjet nắm giữ khối tài sản 2,8 tỷ USD, hạng 864 thế giới. Ông Trần Bá Dương (Chủ tịch THACO) và ông Trần Đình Long (Chủ tịch Hòa Phát) hiện sở hữu lần lượt 1,7 tỷ USD và 1,2 tỷ USD, hạng 1.372 và 1.921 thế giới.
Mới đây, VinFast – công ty con của Tập đoàn Vingroup chính thức thâu tóm lại General Motors Việt Nam trong một thương vụ không tiết lộ giá trị. Theo thỏa thuận, VinFast sẽ tiếp nhận hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.
Chưa kể, VinFast nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng xe ô tô cỡ nhỏ hoàn toàn mới được VinFast mua bản quyền từ GM. Dây chuyền sản xuất mới dự kiến sẽ khánh thành vào nửa đầu năm 2019, bổ sung năng lực sản xuất cho VinFast bên cạnh nhà máy tại Hải Phòng.
Theo kế hoạch, VinFast sẽ ra mắt sản phẩm xe máy điện vào tháng 9/2018, bản thương mại ô tô sẽ được chào bán vào đầu năm 2019.
Để hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành nghề của mình, Vingroup gây bất ngờ khi tuyên bố tham vọng đặt chân vào lĩnh vực điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo với thương hiệu Vsmart. Khởi điểm là sản xuất smart phone, Vingroup có kế hoạch mở rộng sang sản xuất các thiết bị điện tử trong tương lai.
Trong lĩnh vực sở trường là bất động sản, Vingroup tiếp tục tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ với thương hiệu Happy Town, mức giá chỉ từ 200 triệu đồng mỗi căn. Đây là bước đi tiếp theo trong kế hoạch cung cấp nhà ở có chất lượng, giá cả bình dân, dự kiến sản phẩm này sẽ có mặt tại các tỉnh thành có khu công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Bình Dương và Đồng Nai…
Việc gia nhập lĩnh vực nhà ở thu nhập thấp đã đưa Vingroup trở thành nhà phát triển bất động sản số một Việt Nam cả trên quy mô doanh nghiệp lẫn phạm vi hoạt động, với ba dòng thương hiệu chính: Vinhomes – Nhà ở Trung - cao cấp, VinCity – Nhà ở trung cấp, Happy Town – Nhà ở bình dân.
Trước đó, Vingroup cũng đã tuyên bố bước chân vào hai lĩnh vực kinh doanh đáng chú ý khác gồm có dược phẩm (Vinfa) và giáo dục đại học (VinUni).
Mặc dù liên tục hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh – dịch vụ - sản xuất của mình bằng các ngành nghề kinh doanh mới, Tổng giám đốc Tập đoàn ông Nguyễn Việt Quang khẳng định: "Chúng tôi sẽ không xa rời lĩnh vực kinh doanh trọng yếu".
Trong năm nay, Tập đoàn Vingroup đặt kế hoạch doanh thu 120.000 tỷ đồng (5,3 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế vào khoảng 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 34% và 50%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Vinhomes (VHM) và Vingroup (VIC) của ông Vượng hiện đang đứng đầu trong top 10 vốn hóa thị trường. Giá trị lần lượt đạt 301.000 tỷ đồng và 284.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,27% và 9,67%; ở chiều ngược lại, cổ phiếu Vincom Retail hiện đã bay khỏi top 10.
Diễn biến giá cổ phiếu các công ty thuộc họ Vingroup trong quý II
Cùng với xu thế chung của thị trường, cổ phiếu họ Vingroup cũng bị ảnh hưởng không nhỏ trong hai tháng trở lại đây. Trong đó nặng nề nhất phải kể đến hai mã VRE và SDI, cổ phiếu hai công ty này lần lượt giảm đi mất 22% và 50% trong quý II. Trong khi đó, VIC và VHM kể từ khi lên sàn vẫn giữ được mức tăng nhẹ.
Với diễn biến giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán như vậy, việc tổng tài sản của ông Vượng theo thống kể của Forbes tăng thêm tới 2,9 tỷ USD trong quý khiến cho không ít người bất ngờ. Theo quan sát của chúng tôi, thời điểm ngay sau khi lên sàn, cổ phiếu Vinhomes giúp cho tài sản ông Vượng lập tức tăng thêm 400 triệu USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét