Không ồ ạt mở địa điểm kinh doanh, hệ thống Tập đoàn Auchan của Pháp dần lấn sân thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua hợp tác với các công ty bất động sản để mở siêu thị ngay tại các chung cư. Đây có thể được xem là một hướng đi khác biệt so với nhiều nhà bán lẻ ngoại đang có mặt tại Việt Nam hiện nay.
Bán lẻ sẽ không dễ nếu không biết cách nắm bắt văn hóa và thị hiếu của người tiêu dùng. Con đường liên kết hay M&A thường được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn khi tham gia vào một thị trường mới, điều này giúp họ nhanh chóng hiểu được văn hóa và xu hướng tiêu dùng.
Aeon của người Nhật mua 30% Fivimart và 49% Citimart; người Thái mua lại Metro và Big C để có sẵn kênh phân phối và thị phần... Trong khi đó, cùng là người Pháp như Big C và cam kết giá rẻ, Tập đoàn Auchan lại hành động theo cách riêng.
Bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2012, Auchan bắt tay với các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn để hợp tác xây dựng siêu thị ngay chính chung cư của chủ đầu tư. Việc này đều mang lại lợi ích cho đôi bên. Trung tâm mua sắm đông người sẽ giúp chủ đầu tư có cơ hội bán căn hộ, ngược lại chung cư sẽ mang lại nguồn khách nội khu và lân cận cho siêu thị
Nguồn bài viết https://vietnambiz.vn/nuoc-di-khac-biet-cua-dai-gia-ban-le-auchan-sau-5-nam-vao-viet-nam-14567.html
Bên cạnh đó, vị trí siêu thị thường nằm ở các quận lân cận, dân cư đông đúc, thu nhập tầm trung và ổn định. Ngoài cung cấp hàng hóa tại các quốc gia, Auchan còn thu mua hàng nội địa của quốc gia đó để phân phối ra thị trường nước khác.
Đơn cử như việc hợp tác với CT Group để mở siêu thị tại các chung cư như I-Home ở Gò Vấp, chung cư Lê Thành ở Bình Tân; hay nhà phát triển bất động sản khác tại các chung cư như Sunny Plaza Gò Vấp, Era Town quận 7, Useful Tân Bình…
Tương tự, năm 2015, Auchan hợp tác với Công ty Cổ phần Hóa Dầu Quân Đội (Mipec) mở siêu thị đầu tiên ở phía Bắc tại Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên, Hà Nội.
Mặt bằng bình quân từ 2.000 đến 3.000 m2 cho mỗi siêu thị. Cam kết "giá rẻ mỗi ngày", 80% sản phẩm tại Auchan xuất xứ Việt Nam. Ảnh: Tiến Vũ.
Auchan từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Khu vực TP HCM khoảng 15 siêu thị trong năm 2016, Hà Nội đến năm 2020 là 20 siêu thị. Từ đầu năm 2017, Auchan đã khai trương thêm 1 siêu thị ở tỉnh Tây Ninh, 1 ở quận Tân Bình, TP HCM và vừa mới ký kết với Công ty TNHH MTV Gotec Land (Gotec Land) đầu tư 1 siêu thị tại chung chư Summer Square, quận 6, TP HCM.
Tính đến nay, Auchan chỉ mới có 10 siêu thị đi vào hoạt động tại Việt Nam. Có thể thấy chỉ tiêu không đạt như kế hoạch. Nhà bán lẻ này cũng đã phải nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu tại Việt Nam. Trước đây là S.Mart, sau đó được đổi thành Simply, nay là Auchan.
Nhận diện thương hiêu S.Mart vào năm 2012 của Tập đoàn Auchan. Ảnh: CT Group.
Siêu thị tại Chung cư I-Home Gò Vấp năm 2015 là Simply, nay được đổi thành Auchan. Ảnh: Tiến Vũ.
Auchan thành lập năm 1961, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, thương mại điện tử, bất động sản, ngân hàng… Tập đoàn này được xem là nhà bán lẻ lớn thứ hai ở Pháp.
Mạng lưới hoạt động của Auchan trên thế giới. Ảnh: Auchan
Ngoài siêu thị, Auchan còn có hệ thống đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Tính đến giữa năm 2016, Tập đoàn có mặt tại 14 quốc gia với 937 đại siêu thị, 918 siêu thị. Doanh thu bán lẻ toàn cầu nửa đầu năm 2016 đạt 25,4 tỷ Euro; lợi nhuận 188 triệu USD.
Doanh thu thị trường bán lẻ Việt Nam năm qua đạt 118 tỷ USD, dự báo 2020 sẽ là 179 tỷ USD. Dân số trên 93 triệu dân, 60% độ tuổi dưới 35, sức tiêu dùng lớn, thu nhập được cải thiện... Dư địa cho thị trường bán lẻ Việt được các chuyên gia đánh giá còn rất lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét